» » » » Đạo diễn Nhà hát Chèo Việt Nam Hà Quốc Minh

Đạo diễn Nhà hát Chèo Việt Nam Hà Quốc Minh 

Đạo diễn Nhà hát Chèo Việt Nam Hà Quốc MinhNSƯT Hà Quốc Minh
Sinh năm : 1960
Quê quán : Lạng Giang, Bắc Giang
Diễn viên Nhà hát Chèo Việt Nam từ năm 1983.
Đạo diễn Nhà hát Chèo Việt Nam từ năm 1996.
Hiện là Quyền giám đốc - Chỉ đạo nghệ thuật Nhà hát Chèo Việt Nam.
Tác phẩm chính đã dàn dựng : Cá mè đè cá chép, Bão giữa nhà ông, Thái hậu Dương Vân Nga, Trinh Nguyên, Dáng trúc Sài Sơn, Dũng tướng Hà Chương, Nước mắt tuổi thơ, Hai giọt nước, Mảnh gương nhân sự, Ánh sao Khuê, Tuổi trẻ Nguyễn Văn Cừ...
Huy chương Bạc và giải thưởng "Đạo diễn trẻ xuất sắc" Hội diễn SKCNTQ 2009 - vở "Mảnh gương nhân sự".
Chục năm trở lại đây, sân khấu chèo gặp rất nhiều khó khăn trong việc tìm kiếm đạo diễn trẻ. Đạo diễn Hà Quốc Minh, dù không còn trẻ với cái tuổi ngoại tứ tuần nhưng trong cảnh khan hiếm… đạo diễn của làng chèo thì Hà Quốc Minh vẫn được liệt vào hàng… trẻ. Trẻ nhưng những vở chèo mà Hà Quốc Minh mang tới cho công chúng yêu chèo lại rất nghề, rất chắc tay từ gốc chèo truyền thống, phát triển chèo phù hợp với đời sống hôm nay, như: Dáng trúc Sài Sơn, Thái hậu Dương Vân Nga… và mới nhất là Mảnh gương nhân sự.
Chục năm trở lại đây, sân khấu chèo gặp rất nhiều khó khăn trong việc tìm kiếm đạo diễn trẻ. Đạo diễn Hà Quốc Minh, dù không còn trẻ với cái tuổi ngoại tứ tuần nhưng trong cảnh khan hiếm… đạo diễn của làng chèo thì Hà Quốc Minh vẫn được liệt vào hàng… trẻ. Trẻ nhưng những vở chèo mà Hà Quốc Minh mang tới cho công chúng yêu chèo lại rất nghề, rất chắc tay từ gốc chèo truyền thống, phát triển chèo phù hợp với đời sống hôm nay, như: Dáng trúc Sài Sơn, Thái hậu Dương Vân Nga… và mới nhất là Mảnh gương nhân sự.

+ Điều gì khiến một đạo diễn như anh trụ lại được với sân khấu chèo trong khi nhiều đạo diễn trẻ khác… đành bó tay?
Tôi vốn xuất thân từ diễn viên chèo và tự hào là đã có được những vai để lại ấn tượng khá tốt với đồng nghiệp. Như vai Thầy Lý trong vở chèo Hồn Trương Ba da hàng thịt  (HCV Liên hoan các trích đoạn Chèo hay 1993 tại Ninh Bình), vai Sở Khanh trong Kiều (HCB Hội diễn chèo toàn quốc tại Thái Bình 1990). May mắn hơn là qua nhiều năm tháng được nhiều nhà nghiên cứu, nhà sáng tác, các nghệ sĩ nổi tiếng làng chèo dạy dỗ chỉ bảo như các cụ Năm Ngũ, Minh Lý, Mạnh Tuấn, Dịu Hương, Chu Văn Thức, các nhà lý luận như NSND Trần Bảng, GS Hà Văn Cầu, nhạc sĩ Bùi Đức Hạnh… Điểm khác của tôi với các đạo diễn khác chính bởi tôi là người của… chèo nên chỉ dàn dựng các vở diễn thuộc chèo mà thôi!
 + Con đường trưởng thành của đạo diễn đi lên từ diễn viên gặp rất nhiều khó khăn, nhất là trong bối cảnh đào tạo đạo diễn sân khấu truyền thống khắt khe, đòi hỏi nhiều tố chất?
Để bứt phá từ vị trí người diễn viên thành đạo diễn đòi hỏi tôi và một số bạn bè phải nỗ lực rất lớn từ quan niệm cho tới môi trường hoạt động. Là một diễn viên tôi luôn có nguyện vọng được học ở trình độ cao hơn, tuy chưa được học đạo diễn nhưng tôi đã mày mò dàn dựng nhiều vở chèo dài và ngắn cho phong trào chèo quần chúng, đài truyền hình phát sóng. Thật may mắn là năm 1992, Trường ĐH SK-Đa HN mở lớp “Biên kịch và đạo diễn” kịch hát dân tộc đầu tiên do GS Trần Bảng chủ nhiệm, tôi được Nhà hát cử đi học lớp này và đã tốt nghịêp loại giỏi. Khóa học trong 3 năm vẻn vẹn có 11 người nhưng ai cũng có mong muốn lĩnh hội thật tốt mọi kiến thức để làm được điều gì đó khi trở về đơn vị của mình.
+ Trong bối cảnh sân khấu đang gặp quá nhiều khó khăn chồng chất như hiện nay, mục tiêu để chèo hấp dẫn hơn, gần với công chúng ngày hôm nay hơn, dường như ngày càng khó khả thi?
Cũng như nhiều người khác, chúng tôi đều thấy lo lắng vì ngày càng có ít người tâm huyết với chèo. Không chỉ tôi ở vị trí quản lý đơn vị mà nhiều nghệ sĩ trong nhà hát đều có một mong muốn rất chung làm sao để giữ gìn và bảo tồn được vốn cổ truyền thống của các cụ để lại. Làm sao để chèo phải phục vụ được khán giả hôm nay theo đúng nghĩa là bán vé doanh thu chứ không chỉ trông chờ vào bao cấp. Điều đó phải đồng nghĩa với việc là làm thế nào để chèo thực sự hấp dẫn chứ không chỉ là những vở diễn làm xong rồi xếp xó, không có được đời sống bằng những đêm diễn. Kịch bản là một trong những yếu tố vô cùng quan trọng tạo nên tác phẩm hay thì ngày hôm nay trên sân khấu chèo nhan nhản các vở diễn đi vào đề tài danh nhân hoặc viết nặng theo đơn đặt hàng với nội dung quá nặng nề về chính trị nhưng lại không sâu sắc, thiếu tính thuyết phục chưa nói là hấp dẫn.
+ Có một thực tế là sân khấu chèo đang ẩn nấp vào các đề tài lịch sử, dân gian mà quên đi mảng hiện thực nóng bỏng của đời sống ngày hôm nay. Anh có nghĩ như vậy không?
Đúng vậy! Một thời gian khá dài, người làm chèo hay tìm đến đề tài lịch sử, đề tài dân gian. Tôi không cho rằng chèo ngày nay không nên đi vào những đề tài cũ, đề tài cũ cũng tốt nhưng cần phải nêu được những vấn đề công chúng ngày nay quan tâm. Đơn cử như phản ứng tích cực của khán giả khi xem vở "Mảnh gương nhân sự" của cụ Nguyễn Đình Nghi do tôi vừa dựng cho Nhà hát Chèo Việt Nam. Không hề đao to búa lớn, hô khẩu hiệu rầm rĩ nhưng cái nghĩa, cái tình người đã cảm hóa được những con người lầm đường lạc lối. Ngược lại cũng có những vở diễn khai thác đề tài cũ nhằm né tránh đề tài hiện đại với những vấn đề rất phức tạp của nó mà mình không mấy hiểu biết và lúng túng trong cách thể hiện. Mặt khác do yêu cầu dựng vở theo kế hoạch, chúng ta chỉ chú ý đến nội dung tư tưởng, mà không mấy chú ý đến nghệ thuật hay nói đúng hơn nghệ thuật bị đẩy xuống hàng thứ yếu. Đó là cái hạn chế rất đáng kể của chèo gần đây. Các nhà nghiên cứu chèo hàng đầu như giáo sư Trần Bảng, giáo sư Hà Văn Cầu… đã nhiều lần khẳng định những đặc trưng cơ bản nhất của chèo. Tuy nhiên sự tiếp thu, vận dụng những đặc trưng tinh túy đó vào các vở chèo hiện đại thì không được bao nhiêu, có tác giả còn muốn kiếm tìm một cái gì khác, rất vênh với chèo.
+ Có cảm giác là ngành chèo đang ngày càng nghiệp dư hóa bởi việc cho ra lò những sản phẩm nghệ thuật chưa đáp ứng được yêu cầu của công chúng. Cái yếu, cái thiếu nghề không chỉ từ kịch bản mà từ khâu dàn dựng cho tới diễn xuất?
Đúng là như vậy. Tôi cũng có cảm giác là những người làm chèo ngày hôm nay đang làm chèo và phát triển trên cái ngọn chứ chưa thực sự đi từ cái gốc. Đây là điều mà tôi vô cùng trăn trở. Có rất nhiều đoàn chèo địa phương hiện nay dựng vở theo một khuôn mẫu chung chung, theo cái kiểu “Múa tuồng là để đề cờ, múa chèo là chỉ lượn lờ thế thôi”. Dựng lại "Mảnh gương nhân sự" cho Nhà hát chèo VN là tôi muốn tìm lại các cụ để tìm lại vàng thau cho rõ ràng. Chèo không chỉ nặng về múa, hát mà còn có thể là một mũi nhọn khắc họa đời sống xã hội. Tôi muốn phát huy lối diễn ứng diễn dân gian rất phong phú của các cụ, truyền đạt và duy trì lối diễn này cho các nghệ sĩ trẻ trong nhà hát. Lối diễn này sẽ giúp cho nghệ sĩ tạo được lối sáng tạo cho các nhân vật của mình hơn.
 + “Không bột khó gột nên hồ”, đã có lúc nào anh bó tay trước một kịch bản quá dở hay chưa?
Không phải là bó tay mà là nên từ chối nếu kịch bản đó dựng ra không có hiệu quả. Người làm nghề đôi khi cũng cần phải nói không trước những gì không làm lợi cho nghệ sĩ nói riêng và cho cả ngành chèo nói chung.
+ Quả thực nếu để chèo thu hút khán giả như một thời khán giả chen chân mua vé vào xem "Nàng Sita", "Khi tình yêu đã đến" thì có vẻ như không tưởng. Khi xem "Mảnh gương nhân sự" khán giả đã xuýt xoa khen ngợi rất nhiều nhưng nếu để bán vé tay bo vở diễn này thì anh và nhà hát của mình có thể làm được hay không?
Nếu để nói làm được ngay từ một vở diễn này và trong một thời gian có hạn định thì đúng là không thể. Nhưng tôi, đạo diễn – NSưT Bùi Đắc Sừ, hiện là giám đốc Nhà hát chèo cũng như tập thể anh chị em nghệ sĩ sẽ cố gắng thử nghiệm dần dần từng tác phẩm một để bồi đắp trò diễn, bồi đắp tính hấp dẫn cho mỗi vở diễn mới để dần đần lôi kéo khán giả trở lại thói quen xem chèo. Chúng tôi hướng thị trường của mình tới đối tượng đầu tiên là khách du lịch bằng những chương trình thật sự là truyền thống, thật sự mẫu mực để khán giả quốc tế khi đặt chân tới VN có thể được thưởng thức những giá trị văn hóa truyền thống độc đáo và đặc sắc nhất. Với thị trường khán giả trong nước thì đành phải mưa dần thấm lâu. Bản thân chúng tôi đang phải tự thoát khỏi cái tư tưởng ỷ vào cơ chế bao cấp nhiều năm nay, nâng cao trách nhiệm của người nghệ sĩ để tạo nên những tác phẩm nghệ thuật thực sự có chất lượng và dĩ nhiên cái mà chúng tôi chú trọng trước hết là tính hấp dẫn của vở diễn.
+ Cảm ơn đạo diễn. Mong rằng những ý tưởng tốt đẹp của anh và đồng nghiệp sẽ tạo được những động lực mới cho ngành chèo thực sự phát triển.

Đạo diễn Nhà hát Chèo Việt Nam Hà Quốc Minh 

Trung Tâm đào tạo Tây Nguyên Film

Tây Nguyên Film website đào tạo diễn viên và mc lớn nhất hiện nay - Hãy đóng góp ý kiến để chúng tôi phát triển website ngày một tốt hơn bạn nhé!
«
Next
Bài đăng Mới hơn
»
Previous
Bài đăng Cũ hơn