» » » Hát chèo làng Khuốc Thái Bình

Hát chèo làng Khuốc Thái Bình


Giữa vùng đồng quê yên ả, cuộc sống của những người dân bao năm nay chân lấm tay bùn, gắn bó với cây lúa, củ khoai, CLB Chèo làng Khuốc (xã Phong Châu, huyện Đông Hưng, tỉnh Thái Bình) vẫn tồn tại bền bỉ lưu giữ nghệ thuật chèo cổ truyền.

Thăm làng chèo Khuốc Thái Bình


Trăn trở cùng di sản
Người có công phục dựng chèo làng Khuốc là ông Hà Quang Tiết - một trong những nhạc công kéo nhị nức tiếng một thời của Đoàn Chèo Trung ương. Từ kinh nghiệm bao năm lăn lộn với nghề và ý thức giữ gìn văn hóa truyền thống, ông Tiết đã tham mưu cho cấp ủy, UBND xã mở các lớp dạy nhạc chèo, dạy hát chèo cho con em tại làng xã để có lực lượng kế tiếp. Tuy nhiên những năm 1987 - 1999 do điều kiện kinh tế gia đình khó khăn nên ông đành giao lại cho ông Nguyễn Văn Ro tiếp quản. Ngay ngày đầu thành lập CLB Chèo làng Khuốc đã có gần 100 con em thuộc 3 thế hệ làng Khuốc tham gia theo học và CLB đã trở thành địa chỉ "đỏ” của Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam. Trong đó, 2 nghệ nhân Cao Kim Trạch và Phạm Văn Điền của chèo làng Khuốc là hai nghệ nhân duy nhất của Thái Bình vừa được Nhà nước phong tặng Nghệ nhân nhân dân (đợt đầu). 
Ngoài ra, các nghệ nhân còn truyền nghề cho con cháu tại gia đình. Nhiều cháu trong làng từ 7 đến 12 tuổi đã biết hát hay, diễn giỏi. Có những gia đình cả 3 thế hệ đều theo nghiệp diễn chèo. Nhiều nghệ sĩ "nhí” trưởng thành vẫn tiếp tục theo đuổi nghệ thuật chèo tại trường văn hóa nghệ thuật. Như cháu Mai Phương Thảo là con gái của nghệ sĩ Mai Văn Khôi (nguyên thành viên Đoàn Chèo Lai Châu) là một SV tiêu biểu của Khoa Chèo, Trường CĐVHNT Thái Bình. Mới đây, một phát hiện mới của CLB là Hoàng Thị Trang. Tuy là ca nương còn nhỏ tuổi, cũng là người duy nhất trong số những thiếu niên theo học chèo từ ngày đầu thành lập CLB, nhưng đến giờ, Trang đã có thể hát và thuộc nhiều làn điệu chèo cổ. "Là cháu của một nghệ nhân, em mong sau khi học xong có thể học thêm nhiều làn điệu chèo cổ để có thể truyền lại cho những thế hệ sau để không phụ lòng mong mỏi của các ông bà đã dày công chỉ dạy” - Trang bộc bạch. 
Chủ tịch CLB Chèo làng Khuốc Nguyễn Văn Ro cho biết: "Hiện làng Khuốc có 179 người tham gia đóng góp vào các đoàn nghệ thuật chèo chuyên nghiệp, trong đó có khoảng 30 người được phong nghệ nhân. Nhưng giờ vẫn còn có 5 người vẫn chưa được phong tặng nghệ nhân, vì theo ông Ro họ đều thuộc lớp người có nhiều cống hiến đã góp phần đào tạo và gìn giữ linh hồn nghệ thuật chèo không chỉ của riêng làng Khuốc mà trên toàn quốc như Đào Thị Na, Bùi Văn Ca, Vũ Văn Phụ, Hà Văn Bổng, Phạm Văn Điền… Nay các cụ đã ở vào tuổi "như chuối chín cây”, hoặc không còn nữa…”. Bên cạnh những trăn trở với nghề, CLB Chèo làng Khuốc còn phải đối mặt với thực tế cuộc sống. "Chúng tôi thành lập CLB chèo vì phong trào văn nghệ quần chúng. Mình yêu nghệ thuật thì gắng mình làm, chứ chú bảo bình quân một ngày đi phu hồ họ được trả từ khoảng 100 nghìn, trong khi mỗi đêm biểu diễn diễn viên cùng lắm cũng chỉ được hỗ trợ 30 nghìn, hoặc được ít nào hay ít đó. Nếu không có thì mọi người cũng vui vẻ ủng hộ. Đấy may mà Bộ còn cấp cho 4 cái âm li, nếu không thử hỏi cơ sở vật chất đâu ra mà phục vụ biểu diễn” - ông Ro tâm sự. 
Những nghệ sĩ "thuần nông”
Theo các cụ nghệ nhân trong làng kể lại thì hiện chưa có một nghiên cứu nào xác nhận chèo tồn tại từ bao giờ, nhưng có thể khẳng định chèo đã có mặt cùng với đời sống con người cách đây hàng chục thế kỷ. Đã có không ít nhiều trùm chèo trở thành tổ chèo, nhiều chiếu chèo nổi tiếng vang danh một thời. Nhưng có lẽ không nơi đâu lại lưu giữ, truyền nối chèo như người làng Khuốc. Có lẽ vì thế mà nói đến làng Khuốc, những người trong nghề và yêu mến chèo đều cảm nhận trong tâm tưởng đó là "cái nôi” của bộ môn nghệ thuật chèo Việt Nam và trở thành "địa chỉ đỏ” cho những ai quan tâm, yêu mến nó - một sản phẩm văn hóa phi vật thể của dân tộc tồn tại tới hôm nay và mãi mãi mai sau.

Hát chèo làng Khuốc Thái Bình
Trải qua bao thăng trầm, biến đổi của lịch sử, chèo làng Khuốc lúc thăng, lúc trầm nhưng không hề đánh mất đi cái nguồn cội tâm linh vốn đã trở thành máu thịt của mỗi người dân và được truyền nối từ đời này sang đời khác. Múa hát, diễn chèo đã trở thành nếp sống, lối sống của người dân làng Khuốc. Sau năm 1945, gánh chèo làng Khuốc bị lắng dần, mà vở diễn "Cô gái làng chèo” của Đoàn Chèo Thái Bình từng đạt Huy chương Vàng tại Hội diễn Sân khấu chèo toàn quốc 1985, đã phản ánh toàn bộ hoàn cảnh nguyên mẫu của nó. Điều thú vị là nhân vật chính của vở diễn lại xuất phát từ nguồn cội thân phận của nghệ nhân hát chèo Đào Thị Na, do chính NSƯT Thu Hiền thủ vai.
Ông Hà Quang Tiết nhớ lại: "Chèo làng Khuốc đã truyền đời hàng chục thế hệ nghệ nhân, từ sân khấu dân gian chuyển vào phục vụ trong cung đình của các vương triều phong kiến. Trước Cách mạng tháng Tám, nhiều nghệ nhân của chèo làng Khuốc đã có mặt và làm nổi danh cho nhiều gánh hát và nhà hát ở các đô thị lớn như: Hà Nội, Hải Phòng, Hà Đông, Bắc Ninh… Cho đến nay, những người sành chèo, mê chèo ở Việt Nam và cả thế giới còn ghi nhận nhiều ấn tượng về những đào, những kép xuất thân từ chèo làng Khuốc như Vũ Văn Phụ, Bùi Văn Ca, Đào Thị Na, Cao Kim Trạch, Phạm Văn Điền, Hà Quang Bổng, NSƯT Thu Hiền, Phạm Thị Ruyến…”
Theo một thống kê không đầy đủ trên cả nước, thì trong 15 đoàn chèo chuyên nghiệp đã có tới 13 đoàn có sự góp mặt với 175 nghệ sĩ, nhạc công người Thái Bình, mà trong đó có trên 50 con em xuất thân từ chèo làng Khuốc. Nói như thế để thấy được rằng, chèo làng Khuốc vẫn là cái nôi ươm trồng, cung cấp nhân tài cho bộ môn nghệ thuật chèo độc đáo của Việt Nam.
Hát chèo làng Khuốc Thái Bình
Theo: Daidoanket.vn

Trung Tâm đào tạo Tây Nguyên Film

Tây Nguyên Film website đào tạo diễn viên và mc lớn nhất hiện nay - Hãy đóng góp ý kiến để chúng tôi phát triển website ngày một tốt hơn bạn nhé!
«
Next
Bài đăng Mới hơn
»
Previous
Bài đăng Cũ hơn