» » Nghị định xét tặng nghệ nhân có hiệu lực

Nghị định xét tặng nghệ nhân có hiệu lực

Sau nhiều năm chờ đợi, Nghị định 62/2014/NĐ-CP Quy định về xét tặng danh hiệu "Nghệ nhân nhân dân”, "Nghệ nhân ưu tú” đã ra đời (có hiệu lực từ ngày 7-8 tới). Nhưng không vì thế mà dư luận đã hết băn khoăn.
Dễ lúng túng về hồ sơ tư liệu

Ngay khi Nghị định được ban hành, đã có nhiều băn khoăn với những nội dung được cho là còn thiếu hợp lý, còn bất cập. Sự quan tâm của dư luận đối với một Nghị định mới ra đời cho thấy, nhiệt tình trong xã hội đối với chính sách đãi ngộ nghệ nhân vẫn còn nóng hổi. Dù rằng, việc xây dựng chính sách này đã kéo dài mòn mỏi hơn 10 năm. Trong quãng thời gian ấy, việc soạn thảo Nghị định chắc chắn đã có những tiếp thu ý kiến từ dư luận. Nhưng cho đến nay, với những gì được thể hiện trong Nghị định vẫn dễ nhận ra những rắc rối và phức tạp để áp dụng tinh thần Nghị định vào việc xét tặng danh hiệu Nghệ nhân Nhân dân (NNND), Nghệ nhân Ưu tú (NNƯT).


Nghệ nhân làng Lim (Bắc Ninh)  thể hiện di sản chèo Chải hê tại đình Lim  

 Ví dụ, quy định về hồ sơ nộp đề nghị xét danh hiệu. Theo quy định cần phải có băng, đĩa tư liệu mô tả chuyên môn, tri thức mà nghệ nhân nắm giữ. Đây thực sự là cái khó đối với các nghệ nhân và gia đình họ, nhất là những người sống ở vùng sâu, vùng xa, nông thôn, miền núi. Kể cả với những nghệ nhân có điều kiện đi chăng nữa thì việc yêu cầu các nghệ nhân nói chung phải tìm cách ghi tư liệu về chuyên môn, tri thức của mình rồi đem trình xét chọn, như vậy có hợp lý chăng?

Đây đó có thể có ý kiến rằng, chính quyền địa phương, ngành văn hóa, các doanh nghiệp hay các nhà nghiên cứu đã làm việc với các nghệ nhân nên có sự trợ giúp, tổ chức thực hiện việc xây dựng hồ sơ cho các nghệ nhân. Nhưng nếu chỉ là gợi ý và coi đây là công việc tự nguyện thì lại dễ xảy ra sự không đồng đều khi có nơi nghệ nhân được quan tâm, giúp đỡ chu đáo, nhưng có những nơi nghệ nhân cũng như gia đình họ phải tự thân vận động. Biết quay hình, ghi âm, chụp ảnh những gì, sắp xếp hệ thống các tư liệu ấy như thế nào, với thời lượng bao lâu? Với các nghệ nhân sở hữu cả một kho di sản dồi dào mà thể hiện, trình diễn hết thì phải mất rất nhiều thời gian như người hát – kể sử thi, hát quan họ, người chơi nhạc cụ đờn ca tài tử hay người giàu kinh nghiệm trong tổ chức lễ hội truyền thống… thì phải chọn lựa, ghi lại những gì là tiêu biểu?

Vậy là, với chỉ một phần trong việc làm hồ sơ nghệ nhân thôi đã thấy có bao nhiêu điều bất cập. Có lẽ cần có tiếp những văn bản hướng dẫn thực hiện cụ thể, khả thi.

Nghi ngại hai danh hiệu

Tiếp đến là việc định ra hai hình thức vinh danh NNND và NNƯT mà không phải là chỉ cần một danh hiệu chung cho các nghệ nhân được phong tặng. Có lẽ, nếu tổ chức một cuộc trưng cầu ý kiến rộng rãi và thực hiện việc đối thoại, phản biện giữa các nhà xây dựng chính sách với một số các nghệ nhân và các nhà chuyên môn am hiểu các loại hình di sản phi vật thể, thì cách đưa ra hai danh hiệu này khó thuyết phục.

Với các nghệ nhân, không thể căn cứ vào các thành tích, giải thưởng qua các kỳ liên hoan, hội diễn nghệ thuật quần chúng hoặc nghệ thuật không chuyên mà chỉ một số trong số đông đảo các nghệ nhân có cơ hội hay điều kiện tham gia. Bởi các loại hình di sản văn hóa phi vật thể dù có môi trường hoạt động chủ yếu ở địa phương, ở các cơ sở nhưng không thể đánh đồng với nghệ thuật biểu diễn chuyên nghiệp được. Thậm chí trong nhiều trường hợp, có khi nghệ thuật mà các nghệ nhân lưu giữ còn điêu luyện, còn gây thuyết phục hơn cả các nghệ sĩ chuyên nghiệp trong đơn vị công lập. Cũng không nên dựa vào số lượng học trò mà nghệ nhân đã truyền nghề để đánh giá công lao, đóng góp cao hơn hay thấp hơn. Đã gọi là nghệ nhân là thuộc về dân gian, thuộc về cộng đồng, thuộc về nhân dân. Biết phân biệt thế nào là "nhân dân”, thế nào là "ưu tú”. Liệu có phải do tâm lí ngầm so sánh tương đồng, muốn trong việc phong tặng bên nghệ nhân cũng phải tương đương thế nào đó với bên nghệ sĩ, rằng phải có hai cấp "nhân dân” và "ưu tú”?

Trung Tâm đào tạo Tây Nguyên Film

Tây Nguyên Film website đào tạo diễn viên và mc lớn nhất hiện nay - Hãy đóng góp ý kiến để chúng tôi phát triển website ngày một tốt hơn bạn nhé!
«
Next
Bài đăng Mới hơn
»
Previous
Bài đăng Cũ hơn