Gìn giữ không gian Chèo truyền thống
NSƯT Thanh Ngoan vừa khôi phục một chiếu chèo cổ tại Nhà hát Chèo Kim Mã, Hà Nội với mục đích bảo tồn và phát huy nghệ thuật chèo truyền thống. Hơn thế, chị còn muốn tạo cơ hội cho khách nước ngoài tìm hiểu về nghệ thuật chèo truyền thống Việt Nam.
Nghệ sĩ ưu tú Thanh Ngoan đang giữ chức Giám đốc nhà hát Chèo Việt Nam. Sau 35 năm gắn bó với bộ môn nghệ thuật truyền thống này, mong muốn lớn nhất của chị là khôi phục một chiếu chèo cổ tại Hà Nội. Trước đây chiếu chèo này đã được lập, nhưng vì sân khấu nhỏ của rạp Kim Mã lúc đó được tận dụng ở phòng khách, xập xệ quá nên được ít lâu thì phải dừng để trùng tu. Vì vậy, chiếu chèo cổ đã một lần lỡ hẹn với khán giả. Gần 3 năm nay, sân khấu nhỏ đã khang trang và cũng là lúc Thanh Ngoan đóng vai trò "đầu tầu” tìm hướng đi cho chèo, đặc biệt là chèo cổ.
Khi trở thành người đứng đầu nhà hát nghệ sĩ Thanh Ngoan luôn trăn trở với câu hỏi vì sao nghệ thuật chèo truyền thống hiện nay bị công chúng thờ ơ, vắng bóng, trong khi những bộ môn khác như múa rối, ca trù đang dần thu hút được người xem trở lại. "Mơ ước của tôi là Nhà hát Chèo Kim Mã sẽ là điểm đến của du khách trong và ngoài nước, giống như điểm đến Văn Miếu - Quốc Tử Giám, Nhà hát Múa rối Việt Nam”, NSƯT Thanh Ngoan tâm sự.
Theo nghệ sĩ Thanh Ngoan, vì là chương trình mang tính chất bảo tồn, giới thiệu những đặc sắc nên ở lần trở lại này, chiếu chèo giữ nguyên phong cách cổ, chỉ nâng tầm nghệ thuật của các tiết mục lên một bước để dễ tiếp cận hơn với khán giả. Không gian của chiếu chèo được chỉnh sửa lại, bằng cách trải chiếu hoa từ trên xuống dưới, và khán giả sẽ được ngồi gần với diễn viên. Sân khấu mở không có cánh gà, chỉ có một cửa sinh, cửa tử được che bằng rèm. Đó là kiểu trang trí đơn giản nhưng phù hợp với đời sống ngày hôm nay. Nội dung của chiếu chèo bao gồm 5 chương trình được biểu diễn theo lối chiếu chèo truyền thống. Đầu tiên sẽ là cụ trùm trò dẫn chuyện; chương trình thứ 2 là một đôi hề chèo dẫn trò; chương trình thứ 3 là một nam, một nữ dẫn trò; chương trình thứ 4 là một hề áo ngắn và hề áo dài; chương trình thứ 5 là dành cho khách nước ngoài với những mảnh trò, tích trò thật ngắn gọn, mang tính chất học thuật của chèo được diễn trong vòng 45 phút để giới thiệu. Rộng hơn, Nhà hát còn giới thiệu những đặc sản âm nhạc truyền thống Việt Nam với chầu văn, hát xẩm, ca trù, những làn điệu dân ca đồng bằng Bắc Bộ...
NSƯT Thanh Ngoan cũng cho biết, biểu diễn chèo phục vụ du khách nước ngoài, chị không lo lắng quá nhiều về việc bất đồng ngôn ngữ, bởi âm nhạc và văn hóa là không có biên giới, nếu như tìm đúng điểm, thì hạn chế về ngôn ngữ chỉ là chuyện rất nhỏ. Theo chị, Chiếu chèo cổ của nhà hát sẽ không bao giờ dịch chèo sang tiếng Anh, bởi như thế là mất đi bản sắc của chèo. Một người nước ngoài từng tâm sự với chị: dù không hiểu ngôn ngữ Việt Nam, nhưng khi nhắm mắt và lắng nghe chèo, họ cảm nhận một cuộc sống thanh bình. Họ mong một lần được đặt chân lên quê hương của những giai điệu đó.
Lời chia sẻ của vị khách nọ như một nguồn động viên, để rồi từ đó, chị càng thấy tự hào với bộ môn nghệ thuật truyền thống này, và càng quyết tâm khôi phục chiếu chèo cổ. Dẫu vậy, chị không khỏi xót xa bởi có những xuất diễn chỉ bán được 6 vé…Nhưng không vì thế mà nản lòng, "anh chị em nghệ sĩ cứ động viên nhau, bước đầu hãy tạo được cảm hứng cho khán giả và kéo được khán giả đến rạp, uống trà, nhấm nháp thanh kẹo lạc, và ngồi thưởng thức những trích đoạn trong chèo cổ là tốt lắm rồi”- Thanh Ngoan chia sẻ. Mở được chiếu chèo rồi, giờ đây mơ ước lớn nhất của chị và các đồng nghiệp là ngày càng có nhiều người biết đến sự hiện diện của chiếu chèo cổ, và sẽ không còn những đêm diễn mà số vé vỏn vẹn đếm được trên đầu ngón tay…