» » » Đạo diễn Hà Quốc Minh

Đạo diễn Hà Quốc Minh

Đạo diễn Hà Quốc Minh
QĐND - Bắt đầu bằng vở “Trương Viên”, Nhà hát Chèo Việt Nam sẽ dựng lại một loạt vở và trích đoạn chèo cổ vốn được liệt vào hàng kinh điển. Bước đầu đã thành công, một vở chèo cổ đã tìm lại được khán giả. Đạo diễn Hà Quốc Minh, Quyền Giám đốc Nhà hát Chèo Việt Nam, đã có ít phút chia sẻ cùng bạn đọc Báo Quân đội nhân dân Cuối tuần.

Phóng viên (PV): Trong bối cảnh nghệ thuật truyền thống nói chung đang gặp vô vàn khó khăn, vì sao Nhà hát Chèo Việt Nam lại tự dấn bước vào con đường chông gai-phục dựng lại những trích đoạn, vở chèo cổ-thưa đạo diễn?

Đạo diễn Hà Quốc Minh: Chủ trương phục hồi một số trích đoạn và một số vở dài truyền thống của chúng tôi bắt nguồn từ một số mục tiêu. Thứ nhất, đối với một nhà hát chèo quốc gia, đứng đầu làng chèo, thì trách nhiệm bảo tồn giá trị truyền thống là số 1. Đây cũng là nhiệm vụ mà Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch đã giao cho Nhà hát Chèo Việt Nam. Thứ hai, qua thực tế đi diễn tại các miền quê, các tỉnh đồng bằng Bắc Bộ và cả phía Nam, thị hiếu khán giả gần đây lại thích xem chèo cổ, thích nghe những làn điệu chèo. Và, theo điều tra xã hội học, nhiều khán giả, đặc biệt ở lứa tuổi trung niên, không thích chèo cải biên. Đó cũng là yếu tố để Nhà hát phải lưu tâm đến khán giả của mình.

Hơn nữa, điều cực kỳ quan trọng đối với những người làm chèo là, các cụ nói “Phi cổ bất thành kim”, nếu chúng ta không bảo tồn, không phục hồi những trích đoạn chèo cổ thì chúng ta sẽ mất chèo, mất nguyên gốc của nó. Vì rằng, nghệ thuật chèo là nghệ thuật truyền thống truyền miệng từ đời này sang đời khác như: Kinh kịch của Trung Quốc, kịch nô của Nhật Bản. Vì rằng, chèo đã trở thành loại hình nghệ thuật mẫu mực của dân tộc. Vì thế, mình cứ nói nôm na, nếu không bảo vệ nó thì sẽ mất phần nào bản sắc của dân tộc.

Chèo cổ có cái hay về nhiều mặt, về giá trị tư tưởng, về nghệ thuật trình bày. Tại sao mấy trăm năm rồi mà người ta vẫn thích Thị Màu? Mình phải khẳng định, chèo cổ đã trở thành mẫu mực và có sức lôi cuốn cho tới ngày hôm nay. Vậy tại sao không quay lại phục hồi nó, giữ nó, để phục vụ nhân dân, để giữ gìn bản sắc dân tộc, mà cứ phải chạy theo thị hiếu thị trường làm vở mới?

PV: Càng những năm gần đây, việc bảo tồn những môn nghệ thuật truyền thống càng được chú trọng. Tuy nhiên, phương pháp bảo tồn đang gây không ít tranh luận. Với chèo, Nhà hát Chèo Việt Nam bảo tồn theo cách nào?

Đạo diễn Hà Quốc Minh: Chúng tôi bảo tồn “sống”! Chỗ này hết sức quan trọng. Ai cũng nói: “Chúng tôi bảo tồn nghệ thuật truyền thống”, nhưng bảo tồn như thế nào? Theo tôi, vì rằng nghệ thuật của chúng ta là cổ truyền, nên các thế hệ nghệ nhân, NSND từng đóng những vai nổi tiếng như NSƯT Diễm Lộc, hay cố NSND Mạnh Tuấn… nếu không dạy lại anh Hinh (Xuân Hinh-PV), anh Trượng (Quốc Trượng-PV), anh Quốc Anh, thế hệ như chúng tôi, thì làm sao còn những người giữ chèo? Đến lượt chúng tôi lại dạy cho thế hệ sau.

Tôi từng được một cụ nghệ nhân dạy rằng: “Khi các anh làm chèo, thì các anh nên nhớ rằng, hình dung thì có thể biến đổi, còn cốt cách phải duy tồn”. Tức là, anh có thể biến đổi bên ngoài, còn cái xương cốt của chèo phải giữ. Ví dụ, hình dáng của cô Thị Màu hôm nay có thể bổ sung thêm tính tiết tấu của thời đại để làm tươi mới hình tượng nhân vật nhưng vẫn phải giữ nguyên cốt cách của Thị Màu. Đối với một tích chèo hay vở chèo thì phải giữ được cấu trúc. Nhiều người nói cái cấu trúc đó đã cũ nhưng không phải. Nếu thay đổi cấu trúc, chèo sẽ biến thành kịch nói. Vì thế, có người cho rằng, chèo trì trệ. Nhưng chúng tôi nghĩ khác, cốt cách, cấu trúc của chèo vốn đã như thế thì nó phải tiếp tục như thế. Giống như giờ mình xem kịch nô hay kinh kịch thì không chịu nổi. Nó rất trì trệ, diễn viên đi lừ lừ một vòng mất mấy phút. Nó không hay à? Sao người ta vẫn bảo tồn nó?

PV: Bảo tồn nguyên gốc là mục tiêu cao nhất trong bảo tồn nghệ thuật truyền thống. Tuy nhiên, đối với chèo-môn nghệ thuật có tuổi đời hàng trăm năm-chúng ta lấy cơ sở nào để xác định nguyên gốc, thưa đạo diễn?

Đạo diễn Hà Quốc Minh: Nói lấy nguyên gốc từ đâu thì rất khó. Bây giờ thì coi là chèo cổ nhưng cách đây 20-30 năm lại có thể không giống hôm nay. Nghệ thuật luôn biến chuyển và không thể trở thành một ba-rem máy móc. Bất cứ loại hình nghệ thuật nào cũng là sáng tạo. Thị Màu cách đây 100 năm khác với cách đây 50 năm. Thị Màu 50 năm trước lại khác Thị Màu hôm nay. Tuy nhiên, đó vẫn là cốt cách cô Thị Màu. Dù đến đời thứ 10 thì Thị Màu vẫn là Thị Màu. Thị Màu ngày nay phải biến đổi, phải khác các cụ ngày xưa, nhưng vẫn là cô Thị Màu chứ không phải cô Thị Kính, hay cô Súy Vân. Không thể lấy cái gì làm mốc.

Nguyên gốc chỉ có giá trị tương đối. Ta có thể thêm, bớt nhưng phải được khán giả chấp nhận.

PV: Vở “Trương Viên” được “thêm”, “bớt” thế nào, thưa đạo diễn?

Đạo diễn Hà Quốc Minh: Chúng tôi đã lấy lại những lớp như màn giáo đầu, màn hỏi vợ, mà các đoàn khác khi dựng thường hay bỏ… Theo quan điểm của chúng tôi thì những lớp diễn đó đã làm đậm chất chèo truyền thống, tạo cho nhân vật Trương Viên đầy đặn hơn. Hơn thế quan niệm không coi thường nhà nghèo của quan thừa tướng khi gả con gái cho cậu học trò Trương Viên hay những màn đối chữ rất ý nhị, tinh tế của quan thừa tướng và Trương Viên, màn hề áo ngắn, hề áo dài giao đãi… là những màn diễn rất hấp dẫn khán giả. Tại sao ta lại bỏ đi những cái hay, cái độc của các cụ đã có khi mà nhiều kịch bản chèo hôm nay khó mà tạo dựng được?

PV: Phản ứng của công chúng đối với vở “Trương Viên”, thưa đạo diễn?

Đạo diễn Hà Quốc Minh: Vở này được bà con rất thích. Thích đầu tiên vì bản thân nội dung của nó. Tôi vừa làm quản lý, vừa làm đạo diễn, bao giờ dựng vở cũng phải nghĩ, tại sao lại dựng? Đầu tiên phải nghĩ đến chủ đề của vở diễn định nói vấn đề gì và chủ đề ấy có “ánh” được thời đại hôm nay hay không? Người xem có tiếp nhận được, có nỗi trăn trở gì khi xem? Thêm nữa, nghệ thuật có hấp dẫn không? Hát, múa có hấp dẫn người xem không?

Vở “Trương Viên” thu hút được người xem vì chủ đề rất nhân văn. Vẫn là bảo vệ chính nghĩa, bảo vệ người lương thiện và những người tốt “ở hiền gặp lành”, gặp bao nhiêu gian khó, cuối cùng vẫn gặp được hạnh phúc. “Tiết nghĩa ai bằng nàng Thị Phương/ Thờ chồng nuôi mẹ vẹn đôi đường”, cái hiếu của người con dâu là đạo lý của người Việt. Ở đâu chẳng có mẹ chồng nàng dâu, mà nàng dâu hiếu nghĩa với mẹ, thủy chung với chồng thì xứng đáng là tấm gương lắm chứ. Vì thế, dù có gặp hổ dữ, quỷ, sơn thần thổ địa thử thách thì cuối cùng Thị Phương vẫn được gặp chồng. Hơn nữa, chúng tôi đã trình bày nghệ thuật chèo cổ bằng phương pháp cách điệu rất gần gũi với người dân lao động nên người ta rất thích vở chèo này.

PV: Ông có thể so sánh lượng khán giả giữa chèo cổ và chèo cải biên?

Đạo diễn Hà Quốc Minh: Hiện tại doanh thu chèo rất khó khăn. Phần lớn các đoàn chèo trong cả nước đều diễn theo hợp đồng. Bây giờ không còn kiểu bán vé như ngày xưa. Vì thế, để phân biệt doanh thu giữa chèo cổ và chèo mới rất khó.

PV: Sau “Trương Viên”, sẽ là những vở chèo cổ nào được phục dựng, thưa đạo diễn?

Đạo diễn Hà Quốc Minh: Chúng tôi đã tính tới tiếp tục khôi phục lại những vở chèo cổ dài như “Trinh Nguyên”, “Từ Thức”, “Chu Mãi Thần”… để làm sao dàn kịch mục chèo truyền thống của nhà hát được bổ sung mỗi năm từ 1 đến 2 vở. Vài năm trở lại đây, chỉ có hai vở chèo cổ trong kịch mục biểu diễn đó là: Quan Âm Thị Kính, Lưu Bình Dương Lễ. Giờ có thêm vở Trương Viên. Đối với một nhà hát chèo quốc gia thì con số này quả là quá ít.

Đầu năm 2010, việc Nhà hát Chèo Việt Nam xây dựng sân khấu nhỏ và tiến hành dựng một số chương trình gồm trích đoạn chèo cổ và diễn xướng dân gian như: “Thị Màu lên chùa”, “Súy Vân giả dại”, “Phù thủy sợ ma”, “Tuần ty đào Huế”… đã kịp thời phục vụ nhiều lượt khán giả yêu chèo tới xem. Với chủ trương phục dựng các vở chèo, các trích đoạn chèo cổ một cách kỹ lưỡng, công phu, chúng tôi tin rằng Nhà hát Chèo Việt Nam sẽ là một địa chỉ đỏ trước hết về mảng đề tài chèo truyền thống đối với khán giả trong và ngoài nước.

PV: Quay trở về với chèo cổ, Nhà hát Chèo Việt Nam có tiếp tục dựng những vở chèo kim?

Đạo diễn Hà Quốc Minh: Nhà hát Chèo Việt Nam vẫn “đi hai chân”, nhưng chủ trương vẫn là bảo tồn, phục hồi vốn cổ. Bên cạnh đó, chúng tôi vẫn làm những tác phẩm mới, có nội dung chủ đề phù hợp với đời sống để phục vụ nhân dân.

PV: Xin cảm ơn ông về những chia sẻ cùng bạn đọc Báo Quân đội nhân dân Cuối tuần!

Đạo diễn Hà Quốc Minh

Trung Tâm đào tạo Tây Nguyên Film

Tây Nguyên Film website đào tạo diễn viên và mc lớn nhất hiện nay - Hãy đóng góp ý kiến để chúng tôi phát triển website ngày một tốt hơn bạn nhé!
«
Next
Bài đăng Mới hơn
»
Previous
Bài đăng Cũ hơn